Sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh có thể giảm giá rất nhanh, trung bình mất từ 1% – 2% giá trị mỗi tuần. Do đó, việc quản lý chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ là hết sức phức tạp. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Apple lại được tôn vinh với danh hiệu “bậc thầy”. Vậy điều gì tạo nên sự thành công này?
Contents
Mô hình chuỗi cung ứng của Apple
Mô hình chuỗi cung ứng của Apple được Đại học Stanford công bố vào năm 1996 qua nghiên cứu “Chuỗi cung ứng của Apple: Câu chuyện giữa ba thành phố”. Nghiên cứu này đã cho mọi người một cái nhìn tổng quan nhất về mô hình đẳng cấp này.
Thoạt nhìn, nhiều người khá bất ngờ bởi mô hình không có điểm gì khác so với các công ty khác, bao gồm các quy trình cơ bản như: thu mua, sản xuất, lưu kho, phân phối, trả hàng,… Hoạt động Lập kế hoạch của Apple về cơ bản giống với các ngành khác. Điểm đặc biệt ở đây chính là Apple thực hiện thanh toán trước cho một số nhà cung cấp để đảm bảo nguyên liệu chiến lược luôn sẵn sàng khi cần.
Từ nguyên liệu đầu vào từ khắp nơi trên thế giới, Apple sẽ vận chuyển về các điểm tập trung lắp ráp tại Trung Quốc (hiện tại đang có sự chuyển đổi dần sang một số quốc gia khác). Khi sản phẩm hoàn thành sẽ được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng nếu họ mua trên trang chủ của Apple.
Đối với các cửa hàng chính thức hay đối tác bán lẻ, sản phẩm sẽ được vận chuyển số lượng lớn về kho hàng chính tại California để chờ phân phối. Vào cuối vòng đời của sản phẩm, khách hàng có thể gửi trả lại Apple để chúng được tái chế một cách an toàn.
Đã hơn 25 năm kể từ khi Stanford công bố, chuỗi cung ứng của Apple vẫn hoạt động hiệu quả mà không có quá nhiều sự thay đổi. Mô hình này ngày càng được tối ưu hóa để mang lại hiệu quả cung ứng ưu việt hơn.
Chiến thuật hợp tác của Apple
Chiến thuật hợp tác của Apple chính là mấu chốt cho sự thành công trong chuỗi cung ứng. Apple đã nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi bằng cách giảm số lượng nhà cung cấp xuống mức thấp và buộc các công ty còn lại phải cạnh tranh với nhau để giành đơn hàng. Sau đó, Apple ký các hợp đồng độc quyền nhằm giảm khả năng mở rộng sản xuất của đối thủ.
Hiện tại, số lượng nhà cung cấp cho Apple đã lên đến hơn 785 đối tác ở 31 quốc gia. Tuy nhiên, 97% chuỗi cung ứng của Apple chỉ có 200 đối tác trọng điểm, bao gồm cả thu mua, sản xuất và lắp ráp. Điều này đồng nghĩa với việc 585 đối tác còn lại phải “chia nhau” 3% còn lại, tạo nên một áp lực cạnh tranh vô cùng lớn.
Chiến thuật hợp tác này đã cho phép Apple:
- Quản trị rủi ro trong sản xuất, đảm bảo doanh thu không rơi vào tay đối thủ.
- Linh hoạt gia tăng sản xuất bằng cách “chia nhỏ” ra cho nhiều đơn vị.
- Khuyến khích các nhà cung cấp lớn nhỏ cạnh tranh với nhau.
- Ký hợp đồng độc quyền nhằm hạn chế đối thủ mở rộng sản xuất.
5 đối tác lớn của Apple
Mạng lưới chuỗi cung ứng của Apple trải dài khắp các châu lục nhưng tập trung chủ yếu là châu Á. Thành công của Apple là sự đóng góp công sức từ hơn 200 đối tác trọng điểm. Sau đây là 5 đối tác lớn của Apple.
Hon Hai Precision Industry
Hon Hai Precision Industry (Foxconn) có trụ sở tại Đài Loan – tâm điểm trên bản đồ cung ứng của Apple. Foxconn là đối tác lớn và lâu đời nhất trong chuỗi cung ứng của Apple. Tính đến năm 2018, công ty này có 35 địa điểm cung ứng phục vụ cho Apple. Trong đó, 29/35 địa điểm tại Trung Quốc, số còn lại được đặt tại Đài Loan, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Mỹ.
Wistron
Wistron cũng là một công ty của Đài Loan, hiện có 5 nhà máy, 3 tại Trung Quốc và 2 tại Ấn Độ. Công ty này tập trung sản xuất và cung cấp bảng mạch in cho iPhone.
Pegatron
Pegatron có 1 nhà máy tại Đài Loan và 17 nhà máy tại các khu vực khác như Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tương tự Foxconn, Pegatron cung cấp sản phẩm, dịch vụ lắp ráp cho iPhone.
Goertek
Goertek là một nhà máy của Trung Quốc và có 1 nhà máy tại Việt Nam. Việc xây dựng nhà máy ở Việt Nam giúp nâng cao hiệu quả sản xuất tai nghe AirPods của Apple.
Luxshare là đối tác thứ 5 trong chuỗi cung ứng của Apple. Đây là một điểm sáng tại thị trường Trung Quốc với 7 nhà máy tại Trung Quốc và 1 nhà máy tại Việt Nam. Gần đây, hãng này đã ký hợp đồng sản xuất một số mẫu cho iPhone.
Ngoài 5 đối tác lớn này, Apple còn hợp tác với một số công ty lớn khách như Qualcomm, Intel, Murata, Samsung,… Trong đó, Samsung vừa là đối thủ vừa là đối tác quan trọng của Apple trong việc cung cấp nhiều linh kiện như DRAM di động, bộ nhớ flash,…
Sự đẳng cấp của chuỗi cung ứng của Apple chính là chiến thuật hợp tác chứ không phải là “mối quan hệ mua bán” thông thường. Hy vọng bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và thú vị!